Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

http://vietf.vn/2013/01/31/nha-khoa-hoc-viet-thach-thuc-de-che-duoc-pham-roche-thuy-sy-la-ai-2.html


nha khoa hoc viet thach thuc de che duoc pham roche thuy sy la ai

Nanogen là công ty sản xuất thuốc sinh học đầu tiên tại Việt Nam do ông Hồ Nhân điều hành. Bấy nhiêu đó đã khiến nhà khoa học, các công ty dược lớn phải kiêng nể.

Không ngán “ông lớn”

 
nha khoa hoc viet thach thuc de che duoc pham roche thuy sy la ai
Làm khoa học mà không nghiên cứu được sản phẩm tốt cứu sống người bệnh thì làm cái gì?

Những ngày cuối năm 2012, sự kiện Nanogen nộp đơn khiếu nại Công ty Roche và ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Trưởng khoa Bộ môn Sinh hóa – Sinh học phân tử thuộc Đại học Y Phạm Ngọc Thạch đã gây không ít ngạc nhiên cho giới truyền thông. Nội dung mà Tổng Giám đốc Công ty Nanogen, Tiến sĩ Hồ Nhân, đưa ra để khiếu nại Công ty Roche và ông Nguyễn Hữu Tuấn là: “Kết hợp tuyên truyền thông tin không đúng sự thật về thuốc sản xuất tại Việt Nam và chính sách quản lý của Nhà nước”. 

Trong đơn khiếu nại, ông Nhân viết: “Tại hội thảo do Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM phối hợp với văn phòng đại diện của Roche tổ chức, ông Tuấn đã nhiều lần nói thuốc sản xuất không đúng quy trình sẽ thành thuốc độc, ý muốn ám chỉ thuốc của Nanogen, vì chỉ có Nanogen có thuốc điều trị viêm gan B và C đang cạnh tranh trực tiếp với Roche”. Được biết, từ đơn khiếu nại này, UBND TP.HCM cũng đã có công văn yêu cầu Sở Y tế điều tra làm rõ.

Cũng liên quan đến Roche, cuối năm 2010, sản phẩm bán chạy nhất của Nanogen là Pegnano đã bị Roche, từng độc quyền về thuốc điều trị viêm gan siêu vi trùng kiện vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, vụ việc đã lắng lại, bởi Roche không đưa ra được các văn bản pháp lý để chứng minh điều đó. Tỏ ra khá bức xúc, ông Nhân nhấn mạnh: “Đây là hành động thiếu văn minh và cạnh tranh không lành mạnh”!

Công ty dược phẩm Roche là công ty Thụy Sĩ hàng đầu thế giới trong việc nghiên cứu chăm sóc sức khỏe, với các loại thuốc đặc trị ung thư, virut học, tự miễn, viêm nhiễm, rối loạn chuyển hóa và các bệnh của hệ thần kinh trung ương.

Lấn lướt tại thị trường nội địa

Tiến sĩ Hồ Nhân, Tổng Giám đốc cũng là nhà đầu tư sáng lập Công ty Công nghệ Sinh học Nanogen (Nanogen), kể lại: “Tại thời điểm tôi trình bày dự án làm thuốc đặc trị bằng công nghệ sinh học đã có không ít người hoài nghi tính hiệu quả của dự án. Song tôi nghĩ mình làm khoa học mà không nghĩ đến cống hiến cho xã hội, không nghiên cứu được sản phẩm tốt cứu sống người bệnh thì làm cái gì”?

Mất 3 năm để xây xong khu nghiên cứu và nhà máy sản xuất rộng 15.000m2 trong khu công nghệ cao TP.HCM, Tiến sĩ Hồ Nhân cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng nhà máy ở giai đoạn 2 thêm 10.000m2 nữa. Tổng đầu tư của Nanogen cho các phòng thí nghiệm và nhà xưởng đến nay khoảng 50 triệu USD. Và chỉ sau hơn 2 năm tung sản phẩm ra thị trường, Nanogen đã chiếm 80% thị phần trong nước về thuốc đặc trị viêm gan B và C. 

“Thuốc sinh học sẽ là tương lai của ngành dược, bởi ưu điểm của nó là ít phản ứng phụ, nhưng giúp điều trị đúng bệnh”, Tiến sĩ Hồ Nhân khẳng định. Không chỉ chiếm thị phần lớn, giá bán các sản phẩm sinh dược của Nanogen chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với sản phẩm tương đương được nhập khẩu. Điều đáng nói, từ khi có mặt các sản phẩm đặc trị của Nanogen, các công ty dược phẩm nước ngoài liên tục giảm giá thuốc có tác dụng tương đương của họ từ 5 triệu đồng/ lọ, xuống 4,5 rồi 3 triệu đồng/lọ tính tại thời điểm này.

Chiến lược bó đũa

Tiến sĩ Hồ Nhân từng học ở Mỹ và làm việc cho nhiều công ty về sinh học lớn tại Mỹ. Với triết lý, làm khoa học trước hết phải biết biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thực tế, ông quyết định về nước làm “thuốc tốt, giá rẻ cho người Việt”. Với những gì đang làm tại Việt Nam, ông không giấu niềm tự hào và cho rằng, “không chỉ làm thuốc đặc trị, tôi còn có thể làm nhiều thứ hơn nữa”.

Theo ông Nhân, nếu cần 5-10 công đoạn để tổng hợp hóa chất cho ra một viên thuốc bình thường thì với công nghệ sinh học (tổ hợp của công nghệ gene, công nghệ tế bào, công nghệ lên men, công nghệ protein, công nghệ bào chế…), cần cả trăm ngàn công đoạn. Cách làm của ông Nhân là đặt quan hệ với nhiều viện nghiên cứu nổi tiếng của Mỹ, Thụy Sĩ, Đức… để mua bản quyền một số nghiên cứu. Ông cũng cho biết, một số nghiên cứu mà công ty đã mua có giá từ vài ngàn đến vài trăm ngàn USD tùy vào độ quan trọng và khó của nó.

Cũng qua các viện này, nếu gặp khó khăn về chuyên môn, TS Hồ Nhân sẵn sàng trả chi phí để nhận được những tư vấn từ các chuyên gia dược giỏi trên thế giới. Nhờ học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành này mà đến nay, chính Nanogen cũng tự tin hơn khi tư vấn lại một số sản phẩm cho các công ty dược khác. 

Không chỉ đặt mua bản quyền các nghiên cứu, Nanogen cũng là nơi nhận các đơn đặt hàng nghiên cứu và chuyển giao thành công kết quả nghiên cứu đến các hãng dược, mỹ phẩm nước ngoài như: nghiên cứu gene chống lão hóa cho một hãng mỹ phẩm nổi tiếng của Pháp; gene làm thuốc trị tiểu đường cho một hãng dược Ấn Độ; gene làm thuốc chữa trị tim mạch cho một hãng dược Thụy Sĩ…

Bệnh viêm gan đang có nguy cơ cao ở Việt Nam, việc Nanogen có thể chiếm đến 80% thị phần thuốc điều trị viêm gan ở trong nước chỉ sau 2 năm có mặt trên thị trường cũng khiến giới kinh doanh dược dè chừng. Tiến sĩ Hồ Nhân cho rằng, ông là nhà khoa học làm doanh nhân, không phải là nhà kinh doanh chuyên nghiệp nên không chọn giải pháp quảng bá rầm rộ hay chi nhiều hoa hồng cho marketing khi tung ra sản phẩm như cách các tập đoàn đa quốc gia thường làm. 

“Tôi chọn chiến lược bó đũa, tức là làm việc kỹ với từng đơn vị, bác sĩ, bệnh viện để thuyết phục họ tin dùng thuốc của chúng tôi. Có thể lúc đầu tặng thuốc để họ dùng thử. Nếu dùng có hiệu quả mà giá cả lại tốt hơn nhiều so với thuốc nhập, tất nhiên họ sẽ tìm đến mình”. Tiến sĩ Hồ Nhân cho biết, chính chi phí quảng bá giảm tối thiểu sẽ giúp giá thành thuốc giảm, tạo cơ hội cho người bệnh nghèo cũng được điều trị bằng thuốc tốt.

Kiến tạo đường cho thế hệ sau

Theo TS Nhân, năm 2010 đã có hãng dược phẩm Mỹ đặt vấn đề mua đứt công nghệ của Nanogen hoặc mua 30% cổ phần với giá 30 triệu USD. Tuy nhiên, ông đã từ chối. Ông nói: “Ngày trước, mình đã quyết định trở về làm thuốc cho người dân dùng rồi, nay đã đạt được những thành tựu đáng tự hào này, tại sao lại sang ngang. Nếu ai cũng có suy nghĩ đó thì đất nước Việt Nam sẽ đi về đâu”? 
Tại khu Công nghệ cao TP.HCM, Nanogen là một trong những doanh nghiệp có nhiều người làm khoa học là Việt kiều lẫn người nước ngoài tới làm việc. Trong 200 nhân viên của công ty, khoảng 70 người chuyên làm nghiên cứu được trả lương như tại các tập đoàn đa quốc gia khác. 
Nhân cho rằng, việc đầu tư nhân sự cao cấp cho lĩnh vực này là rất quan trọng. Suốt trong câu chuyện của ông, chưa từng nghe ông than khó khăn khi về nước đầu tư như thế nào. Ông bảo: “Tôi cố gắng làm thế nào để thế hệ sau được đi con đường ngắn hơn, ít khó khăn hơn”.
 
Theo Hoàng Hy
Doanh nhân
Nguồn: Nhà khoa học Việt thách thức đế chế dược phẩm Roche Thụy Sỹ là ai?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét