Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

http://vietf.vn/2013/01/30/khong-kiem-dinh-thuy-dien-phat-150-200-trieu-dong-2.html

(TBKTSG Online) – Đơn vị sở hữu, vận hành đập thủy điện không thực hiện kiểm định an toàn đập khi đến kỳ kiểm định sẽ bị phạt tiền từ 150 đến 200 triệu đồng. Thời gian qua mới chỉ có quy định xử phạt vận hành hồ chứa không đúng quy định, còn lại rất nhiều hành vi vi phạm khác vẫn chưa có cơ chế xử phạt, mới dừng lại ở nhắc nhở.



3a110 0a321 7c209 thuy dien song tranh 2
Sắp tới nếu đơn vị vận hành thủy điện không kiểm định an toàn đập sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng – Ảnh: TL.

>> Chưa thể xử phạt vi phạm an toàn hồ, đập thủy điện

>> Hàng chục đập thủy điện chưa được kiểm định

Mức phạt từ 150-200 triệu đồng như trên cũng sẽ áp dụng cho hành vi không báo cáo ngay cho cơ quan chức năng khi các kết quả đo đạc thấm, chuyển vị trí của đập thủy điện vượt quá giới hạn quy định của tư vấn thiết kế; khi xảy ra sự cố trong vận hành cửa van các công trình đập trong mùa lũ.

Trên đây là các nội dung tại dự thảo nghị định xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ ban hành vào đầu quí 2-2013.

Theo dự thảo nghị định đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, ngoài hình thức xử phạt chính, tổ chức vi phạm còn có thể bị tước giấy phép hoạt động điện lực cho đến khi thực hiện xong việc kiểm định đập thủy điện, khôi phục, sửa chữa, nâng cấp đập thủy điện.

Trước đó, trong một báo cáo của Bộ Công Thương gởi Quốc hội hồi tháng 11-2012, tính đến tháng 10-2012, còn 33/66 đập thủy điện đến kỳ kiểm định trên toàn quốc nhưng chưa kiểm định, trong đó có 7 thủy điện công suất hơn 30 MW và 30 thủy điện công suất bằng hoặc nhỏ hơn 30 MW.

Trong lần trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hồi tháng 8-2012, ông Cao Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường thuộc Bộ Công Thương cho biết cả nước có 151 dự án thủy điện nhỏ (công suất dưới 30 MW) đã đi vào hoạt động thuộc sự theo dõi, quản lý của UBND các tỉnh.

Thế nhưng có tới 88/151 dự án chưa có quy trình vận hành hồ chứa, chưa đăng ký an toàn đập, chưa kiểm định an toàn đập, chưa thực hiện chế độ quan trắc đập thường xuyên, chưa có phương án phòng chống lũ lụt cho hạ du …

Theo ông Dũng, thời gian qua mới chỉ có quy định xử phạt hành vi duy nhất là vận hành hồ chứa không đúng quy trình, còn lại rất nhiều hành vi vi phạm khác hiện vẫn chưa có cơ chế xử phạt, chỉ mới dừng lại ở nhắc nhở.

Việc không chấp hành các quy định về an toàn hồ đập của các dự án thủy điện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro các vùng hạ du. Ngoài nguyên nhân do thiếu trách nhiệm của các chủ đầu tư thủy điện, còn do việc thiếu kiến thức chuyên môn của các cơ quan chức năng về quản lý hồ đập, đặc biệt là ở các tỉnh.

Liên quan đến vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng, dự thảo nghị định cũng đưa ra mức phạt tiền 100 triệu đồng đối với các hành vi cố ý không loại bỏ, xây dựng mới các tổ máy phát điện có công nghệ lạc hậu, hiệu suất thấp theo lộ trình do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Đối với tổ chức, cá nhân nếu có hành vi cung cấp báo cáo kiểm toán năng lượng sai cụng sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 60 triệu đồng.

Đáng chú ý, về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong lĩnh vực vận tải, dự thảo còn đưa ra mức phạt tiền từ 160 đến 200 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với thiết bị, phương tiện vận tải.

Bên cạnh đó, sẽ buộc tái xuất hoặc tiêu hủy thiết bị, phương tiện vận tải đã nhập khẩu nói trên.

Nguồn: Không kiểm định thủy điện, phạt 150- 200 triệu đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét