Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

http://vietf.vn/2013/01/01/niem-tin-moi.html

Linh Trung

(DĐDN) Là đội ngũ năng động sáng tạo nhất của nền kinh tế, doanh nhân, DN, thực sự đang bước vào thách thức mới, chu kỳ mới. Bước chuyển mình này ngoài ý thức tự thân của doanh nhân, rất cần hỗ trợ và chia sẻ của Chính phủ và cộng đồng, giúp họ tận dụng nhanh nhất cơ hội để thay đổi và phát triển. Chúng ta tin vào điều đó, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) chia sẻ với DĐDN.

niemtinmoi4a1 42b5b - Thưa Chủ tịch, nhiều chuyên gia, DN cho rằng hiện đang được xem là thời điểm mà DN nói riêng và môi trường kinh doanh VN đang trong lúc vô cùng khó khăn. Là cơ quan đại diện cho cộng đồng DN, doanh nhân, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này, những số liệu minh chứng cụ thể cho điều đó ?

Môi trường kinh doanh VN thực sự đang trong lúc vô cùng khó khăn. Thậm chí, đây là thời điểm khó khăn nhất kể từ khi VN thực hiện chính sách đổi mới nền kinh tế.

Các DN cũng nhìn nhận rất rõ thực trạng này. Những khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, nếu như cuối năm ngoái, DN đặt kỳ vọng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế vào cuối năm 2012, thì hiện tại, kỳ vọng này đang bị đẩy xa hơn.

Kết quả điều tra 8.200 DN dân doanh và hơn 1.500 DN đầu tư nước ngoài mới đây cho thấy rõ cảm nhận rất khó khăn, đầy áp lực đối với cộng đồng DN; mức độ lạc quan của DN đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 đến nay. Kết quả điều tra của các năm trước đều cho thấy sự lạc quan về triển vọng kinh doanh luôn chiếm trên 70%, đã giảm xuống 47% trong năm 2011 và nay chỉ còn 33%.

Tính chung 2 năm 2011 và 2012, cả nước có khoảng 100 ngàn DN buộc phải rút khỏi thị trường qua các hình thức giải thể, phá sản, ngừng hoạt động… bằng 50% tổng số DN rút khỏi thị trường của cả 20 năm qua.

- DN, doanh nhân đã có giai đoạn tăng trưởng ấn tượng (đạt con số hơn 500.000 DN vào năm 2010) và cả nền kinh tế hào hứng với sự phát triển nhanh và mạnh đó. Vậy đâu là nguyên nhân chính xét ở góc độ môi trường kinh doanh cũng như khả năng, năng lực, tầm nhìn của từng DN để rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay?

Thực tế không thể phủ nhận, cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài cùng những bất ổn vĩ mô liên tục đổ thêm gánh nặng lên vai những doanh nhân – người lính thời bình. Là người đi đầu trên mặt trận kinh tế, doanh nhân VN phải hứng chịu trọn vẹn những tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng này.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, trong giai đoạn bùng nổ trước đây, có những doanh nhân đi quá nhanh, tận dụng các cơ hội kinh doanh từ điểm yếu của môi trường kinh doanh, đó là cơ chế xin cho, đó là thói quen kinh doanh bằng quan hệ… Nhiều đại gia, nhiều người khổng lồ đã xuất hiện cùng với sự tăng trưởng phi mã của thị trường bất động sản.

Bây giờ, chúng ta đang bước vào một giai đoạn khác, có thể nói là thời điểm thoái trào. Những doanh nhân chịu tác động mạnh nhất, tiêu cực nhất lại chính là những đại gia “chân đất sét”. Đi quá nhanh, những doanh nhân này đã bỏ qua những yếu tố căn bản nhất của kinh doanh, đó là quản trị, là tầm nhìn, là chiến lược phát triển bài bản… Họ thất bại khi thị trường đổi chiều là tất yếu. Song, điều đáng bàn là đi kèm với sự thất bại đó là những hệ lụỵ của thị trường, của xã hội… Hình ảnh của doanh nhân VN đã lại bị méo mó đi sau nhiều năm chúng ta chung tay xây dựng.

- Nhiều quan điểm cho rằng, sự “sàng người, lọc của” này, dù đau đớn nhưng cũng rất cần thiết, và với những DN thành công, vượt bão là do họ đã biết “tự cứu mình” trước khi “được cứu”. Quan điểm của Chủ tịch về vấn đề này?

niemtinmoi4a2 42b5b
Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính là
một trong những hoạt động hỗ trợ thiết thực cho DN
 
Vào thời điểm này, khi mọi người đang kêu gọi sự sàng lọc trong giới DN, để tạo nên những thay đổi về chất, về quản trị, để VN có được những doanh nhân trí tuệ, sáng tạo trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, thì có lẽ môi trường chính sách, đầu tư cũng phải chuyển mình trước, để dẫn hướng cho sự thay đổi này của DN.

Tôi cũng muốn nói thêm là trong giai đoạn vừa qua, nhiều doanh nhân vẫn kiên định với chiến lược kinh doanh của mình, tìm kiếm những cơ hội thực sự bền vững trong sự khó khăn của DN khác. Thậm chí, có những doanh nhân tìm được hướng đi mới trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao…, những ngành gắn với nền kinh tế tri thức đang phát triển trên thế giới. Có nghĩa là, trong khó khăn, những nỗ lực thay đổi từ DN vẫn không ngừng. Tuy nhiên, điều mà nền kinh tế VN cần là những nỗ lực này nhanh chóng trở thành xu hướng. 

- Tuy nhiên, sự hậu thuẫn từ chính sách, môi trường kinh doanh vẫn luôn được xem là nền tảng gốc, cơ bản, lâu dài đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đối với nền kinh tế, thưa Chủ tịch?

Theo dự báo của VCCI, trong vài năm tới, các DN VN vẫn tiếp tục khó khăn nên việc DN có thể vượt qua khó khăn, cũng như bứt phá tăng trưởng trở lại như thế nào phụ thuộc khá nhiều vào động thái chính sách và hành động quyết liệt của Chính phủ. Hiện nay, những chính sách mới của Chính phủ đang phát đi tín hiệu làm tăng lòng tin của cộng đồng DN- tin về bước chuyển biến đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng như những năm trước đây.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Nhà nước cần cố gắng đưa ra các chính sách thật ổn định, tránh làm tăng chi phí, gây thêm khó khăn cho DN. Đồng thời, trong chương trình cải cách DN đã đề ra, Nhà nước có thể rút bớt vốn ra khỏi các lĩnh vực không cần thiết và dùng một phần vốn này tập trung giải quyết các vấn đề đang là điểm nghẽn hiện nay như nợ xấu DN trong ngân hàng.

Ngoài ra, cũng cần kết hợp giữa hỗ trợ tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN thông qua việc tăng chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư. Nếu trước đây chúng ta chứng kiến sự bùng nổ của các DN VN thì nay, với điều kiện kinh tế khó khăn, việc nâng cao năng lực quản trị của các DN đang là yêu cầu quan trọng trong nền kinh tế.

- Ông có tin rằng, sau những thất bại lớn, doanh nhân VN sẽ vượt lên được chính mình?

Tôi tin chắc vào điều đó. Nhiều doanh nhân cũng đã chia sẻ với tôi niềm tin đó.

Tôi có quan điểm rằng, doanh nhân là đội ngũ năng động, sáng tạo nhất của nền kinh tế. Họ nhìn nhận rất rõ cơ hội và thách thức của nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên thâm dụng tài nguyên, quan hệ sang giai đoạn tăng trưởng bằng năng suất, chất lượng. Họ cũng chính là những đối tượng nhanh nhạy với các cơ hội kinh doanh mới.

Tất nhiên, để thực sự tạo bước chuyển về chất cho đội ngũ doanh nhân VN, ngoài sự nỗ lực hướng tới chuyên nghiệp của mỗi doanh nhân, thì họ cần sự minh bạch rõ ràng trong môi truờng kinh doanh, sự định hướng của cơ chế chính sách…

Có nghĩa là cộng đồng doanh nhân rất cần sự hỗ trợ và chia sẻ của Chính phủ, của chính quyền địa phương. Khi đường lối rõ ràng, doanh nhân là người nhanh nhất tận dụng các cơ hội để thay đổi.

- Xin cám ơn Chủ tịch!

thực hiện

Nguồn: Niềm tin mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét