Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

http://vietf.vn/2012/12/31/kinh-te-quang-ninh-nam-2012-nhieu-dau-an-quan-trong.html

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – Đặng Huy Hậu trao đổi với phóng viên Báo Công Thương – xung quanh những kết quả nổi bật về kinh tế, xã hội của tỉnh trong năm 2012 và kế hoạch phát triển năm tới.

hethongcuakhau41356945682 340x250

CôngThương - Đâu là dấu ấn về kinh tế – xã hội của Quảng Ninh trong năm 2012, thưa ông?

Ông Đặng Huy Hậu:Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế; khó khăn của các doanh nghiệp của tỉnh, nhất là của Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quan trọng trên địa bàn như điện, xi măng, vật liệu xây dựng cùng với thị trường bất động sản trầm lắng; việc thực hiện các giải pháp giãn, miễn giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vẫn vượt kế hoạch đề ra, tăng so với cùng kỳ và nằm trong số các địa phương có số thu đạt khá. Đây là một trong những dấu ấn nổi bật trong bức tranh tổng thể kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh năm 2012.

Một vài con số cụ thể: Thu ngân sách ước thực hiện 29.473 tỷ đồng, đạt 102% dự toán, bằng 101% so với cùng kỳ. Trong đó, thu thuế XNK ước thực hiện 16.500 tỷ đồng, thu nội địa ước thực hiện 12.741 tỷ đồng. Với kết quả này, Quảng Ninh xếp thứ 5 trong số các địa phương có số thu ngân sách nhà nước cao nhất toàn quốc năm 2012 (sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Hải Phòng). Nếu tính riêng về số thu nội địa, Quảng Ninh xếp thứ 6 sau Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai.

Ong hau(1)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – Đặng Huy Hậu

Một dấu ấn khác: Việc thu hút vốn đầu tư đạt được kết quả nổi bật và triển khai một số dự án hạ tầng quan trọng. Sau thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư tháng 2/2012, nhiều văn bản hợp tác được ký kết, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội hợp tác. Thu hút vốn FDI đạt 412 triệu USD, tăng gấp 15 lần so với năm 2011. Một số dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn đang khẩn trương triển khai như: Đường nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với TP.Hạ Long, Đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái, Đường dẫn và cầu Bắc Luân II, Sân bay quốc tế Vân Đồn, Dự án bảo vệ môi trường thành phố Hạ Long bằng các hình thức FDI, BOT, BT, ODA…

Tổng số tiền chi cho an sinh xã hội từ ngân sách năm 2012 ước chi 1.094 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2011 đã cho thấy sự quan tâm và nỗ lực cao của tỉnh trong công tác đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Năm 2012 được Quảng Ninh xác định là năm đột phá về quy hoạch, nhằm phát triển kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, bền vững. Vấn đề này đã được thực hiện ra sao?

Ông Đặng Huy Hậu:Năm 2012, HĐND Quảng Ninh có nghị quyết xác định là “Năm xây dựng chiến lược và quy hoạch”. Vấn đề này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành riêng một nghị quyết (Nghị quyết số 06-NQ/TV ngày 20/3/2012), để tăng cường lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng chiến lược, lập, quản lý và thực hiện quy hoạch. Theo đó, Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch, trong đó đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban chỉ đạo; đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo và đồng chí Phó Bí thư  thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh là Phó trưởng ban chỉ đạo…

UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai, báo cáo Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý cho phép thuê tư vấn nước ngoài lập một số quy hoạch quan trọng.

Đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau trên 130 cuộc phỏng vấn, trên 30 cuộc điều tra, khảo sát thực địa, thảo luận lấy ý kiến tham gia và sau 5 lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, Tư vấn Mckinsey đang cùng với tổ chuyên trách hoàn thiện chỉnh sửa bổ sung Bản dự thảo cuối cùng báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, ngành Trung ương liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Ngày 6/12/2012, Ban chỉ đạo công tác lập quy hoạch chiến lược của tỉnh đã họp kiểm điểm tiến độ và thống nhất chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tập trung hoàn thành lập các quy hoạch trước tháng 6/2013.

Công nghiệp, thương mại, dịch vụ được coi là mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh. Vậy trong năm 2012, ba lĩnh vực trên phát triển như thế nào?

Ông Đặng Huy Hậu: Kinh tế của Quảng Ninh tiếp tục chịu sự tác động của cả nước và thế giới do suy giảm kinh tế, sức mua giảm, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chậm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh năm 2012ước đạt 7,4%, giảm 5,1% so với kế hoạch đề ra . Trong đó lĩnh vực công nhiệp, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 30.079,5 tỷ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ. Trong đó: Công nghiệp trung ương giảm 6,6%, công nghiệp địa phương tăng 2,5%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  tăng 20,1% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở mức thấp, do một số sản phẩm công nghiệp chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đều giảm so với cùng kỳ (than, điện, xi măng..), trong đó đặc biệt là khó khăn của Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn đến giá trị sản xuất công nghiệp. Những sản phẩm tăng phần lớn là các sản phẩm có tỷ trọng nhỏ và giá trị gia tăng thấp trong ngành công nghiệp và GDP.

 000018(1)  

Khai thác than và du lịch là lĩnh vực công nghiệp quan trọng trên địa bàn

images791520 IMG 1120

Quảng Ninh có lợi thế vượt trội về các ngành công nghiệp năng lượng (than, nhiệt điện), các hoạt động dịch vụ thương mại biên giới cũng như du lịch. Lãnh đạo Tỉnh Quảng Ninh đã có những đề xuất, hiến kế gì để những “mảng” này phát triển mạnh hơn trong năm 2013 và các năm sau?

Quảng Ninh có lợi thế rất lớn về phát triển một số ngành công nghiệp, trước đây là ngành công nghiệp than, gần đây là công nghiệp nhiệt điện và sản xuất xi măng. Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh, lĩnh vực này phát triển không chỉ tăng về sản lượng, không phải tăng về tỷ trọng khai thác đối với than, cũng không phải tăng về doanh thu, mà từ năm 2013 phát triển có đổi mới hơn, phát triển theo hướng bền vững, có nghĩa là phát triển gắn với môi trường.

Để đi theo hướng này, một loạt vấn đề đặt ra. Thứ nhất, song song với việc  thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành, thì ngành than, ngành điện ngoài nỗ lực sản xuất đảm bảo nhu cầu năng lượng quốc gia, đồng thời cũng phải coi trọng đặc biệt công tác bảo vệ môi trường. Thứ hai, để làm hài hòa đòi hỏi phải có cải tiến, đưa  khoa học công nghệ vào lĩnh vực khai thác than, điều chỉnh lại công nghệ ngành công nghiệp nhiệt điện, xi măng, để giảm thiểu ô nhiễm. Nếu không làm mạnh điều này, công nghiệp lại tăng trưởng nóng, không đáp ứng yêu cầu chuyển từ “nâu’ sang “xanh”.

Riêng về lĩnh vực nhiệt điện, chúng tôi đồng ý với quy hoạch của Chính phủ xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm nhiệt điện vì gần nguồn nguyên liệu than và nâng cao giá trị gia tăng cho hòn than. Nhưng Quảng Ninh đề nghị phải quy hoạch lại, không để các nhà máy nhiệt điện nằm trong trung tâm đô thị, trung tâm du lịch.

Thương mại, dịch vụ là lĩnh vực nổi trội. Mặc dù gặp khó khăn do sản lượng của các ngành sản xuất chính sụt giảm, song tổng mức bán lẻ hàng hóavà doanh thu dịch vụ ước đạt 39.470 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ,. doanh thu vận tải tăng 23,3%, doanh thu du lịch tăng 18%. Du lịch đạt 7 triệu khách, trong đó xấp xỉ 3 triệu lượt khách quốc tế.

Quảng Ninh có tuyến cửa khẩu, đây là điều kiện phát triển cả dịch vụ thương mại và du lịch. Du lịch tăng lượng khách, đồng nghĩa với tăng doanh số bán hàng hóa. Vì thế năm 2012, công nghiệp Quảng Ninh giảm, nhưng du lịch, dịch vụ thương mại vẫn vượt 5,3% kế hoạch và tăng 25, 5% so cùng kỳ.

Để lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng, năm 2013 và các năm sau, Quảng Ninh thực hiện một số biện pháp. 

Nói về chiến lược dài hơi, phải làm lại công tác quy hoạch về phát triển du lịch, dịch vụ. Nhưng nói về trước mắt năm 2013, Quảng Ninh phải khắc phục tình trạng yếu kém về dịch vụ, dần dần nâng cao chất lượng để đảm bảo tính chuyên nghiệp.  

Xét về mặt hàng, sản phẩm du lịch, trong đó ẩm thực của Quảng Ninh, phải tiếp tục được đầu tư. Vì tỉnh có lợi thế rất tốt về nông sản, thực phẩm rất đa dạng và có thể nói chất lượng rất tốt. Vừa qua, Quảng Ninh xây dựng 21 thương hiệu nông sản và từng bước đưa chương trình này vào sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa và cung cấp cho thị trường. Làm điều này, vừa tăng thu nhập cho khối nông nghiệp, đồng thời cũng tăng thu nhập cho khối dịch vụ.

Môi trường du lịch cũng phải cải thiện. Môi trường ở đây bao gồm môi trường xã hội, môi trường kinh doanh, môi trường sống. Theo đó, con người phục vụ du lịch cũng hài hòa hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn, kiên quyết không để tình trạng chèo léo, ép giá.

Riêng về lĩnh vực xuất nhập khẩu, Quảng Ninh sẽ tiếp tục chủ động cải thiện quan hệ với các nước, trong đó đặc biệt với nước bạn Trung Quốc về xuất nhập khẩu qua biên giới, đồng thời kiểm soát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đặc biệt quan trọng, đó là hạ tầng hệ thống cảng biển, hệ thống giao thông. Sẽ xúc tiến đầu tư để cải thiện giao thông từ Hà Nội về Quảng Ninh, đặc biệt đoạn Uông Bí đến Hạ Long và từ Hạ Long ra Móng Cái. Hạ tầng giao thông sẽ được quan tâm hàng đầu để làm sao đường từ Hà Nội- Hải Phòng ra cửa khẩu Móng Cái, đến các cửa khẩu Hải Hà, Bình Liêu được cải thiện một cách đối đa.

Để lĩnh vực công nghiệp, thương mại phát triển bền vững, ngoài nỗ lực của tỉnh thì sự hỗ trợ của Trung ương, đặc biệt là Chính phủ, các bộ ngành là rất quan trọng. Vừa qua, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đồng ý cho phép xây dựng cơ chế chính sách riêng cho tỉnh Quảng Ninh trong lĩnh vực XNK, quản lý tài nguyên, đất đai. Lộ trình đến tháng 6/2013 cơ bản sẽ xây dựng xong để trình Chính phủ.

Các chương trình, mục tiêu chính mà Quảng Ninh đặt ra trong năm 2013?

HĐND khóa XII, kỳ họp thứ 7 vừa thông qua các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2013 với các mục tiêu chính: Tập trung hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII ở mức cao nhất; tăng trưởng GDP năm 2013 cao hơn năm 2012, đạt khoảng 8% – 8,5%, tổng thu ngân sách trên địa bàn dự kiến 33.833 tỷ đồng. Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với  tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tập trung triển khai cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực và quản lý, bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác đảm bảo an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, Quảng Ninh đặt chủ đề trong năm 2013 là cải cách hành chính và đào tạo nhân lực. Để thực hiện chủ đề này, chúng tôi quan tâm đặc biệt việc xây dựng chính quyền điện tử, phấn đấu làm sao đến hết năm 2014 hoàn thành chính quyền điện tử. Song song đó, Quảng Ninh cũng xây dựng các trung tâm hành chính công, đề làm sao giao dịch dân sự giữa người dân, doanh nghiệp với nhà nước được nhanh và đơn giản, không qua các khâu trung gian.

Quảng Ninh sẽ dành nguồn ngân sách tương đối lớn cho việc đào tạo trong nước, ngoài nước. Hiện, chúng tôi đang làm đề án thành lập trường đại học đa ngành và phối hợp với trường đại học có uy tín, mở các phân hiệu tại Quảng Ninh, để thu hút các nguồn lực trong và ngoài tỉnh khác học.

Cải cách hành chính và nhân lực là hai chương trình đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thông qua và sẽ tạo nguồn tài chính đáng kể cho chương trình này. Đây là 2 chương trình trọng tâm chỉ đạo trong năm 2013.

Liên quan đến phát triển kinh tế, chúng tôi chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách xây dựng một loạt chính sách hỗ trợ. Thứ nhất, hỗ trợ về lãi suất cho các đối tượng, ví dụ đối tượng sản xuất nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ hỗ trợ lãi suất. Thứ hai, một số công trình trọng điểm của tỉnh, của DN khó khăn thì tỉnh cũng chủ trương hỗ trợ lãi suất. Thứ ba, các chương trình ứng dụng KH- CN vào tỉnh hay các DN có những cải tiến về kỹ thuật, những sáng kiến về KH- CN làm lợi về sản phẩm đều có hỗ trợ. Thứ tư, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, chức năng đứng ra làm “trọng tài” chắp mối trong việc tiêu thụ sản phẩm của người lao động, của hộ tiêu thụ. Việc này trước mắt chúng tôi chỉ đạo ban đầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ví như mua gạo của Đông Triều, tới đây sẽ mua rau, mua lợn, gia cầm…

Năm 2013, chúng tôi tập trung chỉ đạo tranh thủ sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư từ Trung ương một cách có hiệu quả và tiếp tục đây mạnh huy động các nguồn lực từ xã hội, nhất là thu hút vốn đầu tư nước ngoài.  Đồng thời, sớm khởi công các dự án đường nối từ TP.Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long – Móng Cái và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các dự án: đưa điện lưới ra đảo Cô Tô; triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Trân trọng cám ơn ông!

Nguồn: Kinh tế Quảng Ninh năm 2012: Nhiều dấu ấn quan trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét